Vợ mất, bạn thân qua đời, lúc túng quẫn tôi bán luôn bản thảo

Trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, Mạc Can vẫn ngày ngày viết bản thảo và chờ được gọi đóng phim. Buồn vì người vợ và các bạn thân đã mãi đi xa nhưng ông vẫn dặn lòng mình không chết được vì còn nhiều việc phải làm.

Thập niên 80-90, Mạc Can là gương mặt quen thuộc với khán giả. Từ trẻ em cho đến người già đều yêu mến ông bởi sự đa tài, duyên dáng và hài hước. Đóng phim, ảo thuật, viết sách, viết kịch bản… cái nào ông cũng để lại dấu ấn.

Phải thừa nhận rằng hiếm có nghệ sĩ nào lại bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật như ông. Từ một anh hề trong gánh hát rong ở miền Tây Nam Bộ, ông phải trải qua gần cả trăm vai phụ mới được một lần giao vai chính.

Sắp bước sang tuổi 80, Mạc Can vẫn miệt mài kiếm sống bằng những đồng tiền ít ỏi từ việc viết bản thảo trong căn phòng trọ, thay vì trông chờ sự giúp đỡ của người khác…

Nuôi dưỡng ước mơ từ gánh hát trên ghe

Phóng viên đến thăm nghệ sĩ Mạc Can vào một buổi chiều nắng nhẹ. Tuy sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nhưng gương mặt ông lộ rõ vẻ vui mừng khi có khách đến căn phòng trọ nhỏ hẹp của mình.

Trước đó, Mạc Can tái hợp với vợ cũ nên dọn về sống tại quận Bình Tân (TPHCM). Sau khi vợ mắc bệnh rồi qua đời cách đây vài tháng, người nghệ sĩ lại trở về với cảnh sống đơn độc. Cách 1-2 ngày, con gái của ông lại sang thăm nom, nấu nướng. Dù được ngỏ lời về ở cùng em gái ruột nhưng ông từ chối vì không muốn trở thành gánh nặng của ai.

Mạc Can bảo ông cũng đã quen với cảnh lủi thủi. Ngày xưa, cha của Mạc Can là ông bầu, nhưng gánh hát của gia đình ông không nằm trên đất liền, cũng chẳng có vị trí cố định mà phải lênh đênh trên sông nước. “Nói gánh hát cho sang vậy thôi chứ đó chỉ là một chiếc ghe chạy nay đây mai đó”, Mạc Can kể.

Nhắc về chiếc ghe đã nuôi dưỡng giấc mơ nghệ thuật của mình, ông rơi nước mắt. Người nghệ sĩ già thều thào: “Hồi đó, tôi ở dưới ghe. Nay ở nơi này, mai trôi đi nơi khác, ít khi tôi được sống trên bờ. Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn nghĩ xung quanh mình là nước, là sông. Mỗi lần đi ngang dòng sông, tôi nhớ ngày nhỏ vô cùng”.

Hồi tưởng về những năm tháng lênh đênh, Mạc Can bấu víu vào mảnh khăn trên tay để kìm nén cơn xúc động. Ông nói ngày xưa không có sân khấu, ghe đi đến đâu thì cả đoàn dựng sân khấu đến đấy, thường là bãi đất trống gần chợ.

Mạc Can không theo trường lớp nào. Ông chỉ theo dõi và nắm bắt từng cử chỉ, hành động của cha mình rồi cứ vậy mà bước vào nghề. Ngoài khả năng diễn xuất tự nhiên, nam nghệ sĩ còn có biệt tài ảo thuật, biến hóa nhiều tiết mục đặc sắc.

Mạc Can thừa nhận bản thân học hỏi từ cha rất nhiều, kể cả những mẹo ảo thuật. Ông nhớ lại: “Cha tôi là nhà ảo thuật nên kêu tôi diễn hài phụ họa. Đêm nào cũng vậy, tôi sẽ cầm nón để sẵn lá bài, ông thò tay vào bốc lá bài ra. Người ta thấy ngộ quá, vỗ tay rần rần. Hồi đó, có lần tôi lật tẩy “mánh” của cha trước mặt mọi người, bị ông đánh quá trời”.

Xuất thân trong gia đình nghệ thuật nhưng có thời gian, Mạc Can từng bị gia đình cấm cản vì không muốn ông theo nghề. Nhiều đêm đi diễn hội chợ, ông bị gia đình bắt lại nhưng 2,3 ngày sau lại trốn nhà đi. Hỏi ra mới biết, Mạc Can làm chú hề trong các hội chợ để thu hút khách đến xem hát.

Một ngày làm việc của ông thường bắt đầu từ lúc sáng sớm đến tối mịt, bất kể nắng mưa. Khi mười mấy tuổi, Mạc Can thường được giao đứng ngoài sân, tìm cách thu hút sự chú ý của người qua đường. Ông bảo may mắn gặp được những ông bầu tử tế, đối xử tốt nên cũng an ủi phần nào.

Lớn hơn một chút, Mạc Can học thêm nhiều trò xiếc, ảo thuật và cố gắng tập luyện để được khán giả biết đến nhiều hơn. Đó cũng là lúc ông muốn sống và làm việc một mình vì không muốn dựa dẫm hay phụ thuộc vào gia đình nữa.

“Tôi làm vậy vì muốn xem mình chèo chống thế nào, người ta khen chê mình ra sao. Sự thật là có người khen, cũng có người chê. Tôi từng bị khán giả nói: “Mày làm chi vậy, cái đó không có hay đâu”. Lúc đó tôi cũng cảm thấy xấu hổ”, Mạc Can tâm sự.

Cát-xê không đủ sống, lúc túng quẫn phải bán tác phẩm đổi lấy bữa cơm

Từ một chú hề hội chợ, Mạc Can dần được khán giả “nhớ mặt đặt tên” qua nhiều vai diễn trong các bộ phim cổ tích của hãng phim Phương Nam. Với Mạc Can, đây là một trong những cái nôi đầu tiên giúp ông rèn kỹ năng diễn xuất.

“Ngày xưa, phim cổ tích quay rất có chất lượng, đòi hỏi phải đi nhiều nơi, hóa trang kỹ lưỡng. Sau này, những bộ cổ tích không còn hay như trước nữa”, ông thở dài.

Đến nay, Mạc Can đóng hàng trăm vai diễn lớn nhỏ. Dù vai phụ nhiều hơn vai chính nhưng ông không bao giờ nề hà. Đó có thể là một Mạc Can gần gũi, dí dỏm với vai bác Ba Phi trong Đất phương Nam hay hình ảnh ông Tư Đèo lúc nào cũng đau đáu tìm con trong Cải ơi…?

Hỏi thăm về những “tai nạn nghề nghiệp”, Mạc Can cười khà khà. Ông kể lại: “Tôi gặp nhiều nhưng không nặng lắm. Trong phim cổ tích Giận mày tao ở với ai, tôi phải chui qua bụi cây trong rừng. Chui vô được nhưng lại không ra được vì có rất nhiều gai đâm”.

Đến vai bác Ba Phi trong Đất Phương Nam, Mạc Can phải chạy chân trần trên đất nên thường xuyên bị đứt chân. Nhưng vì đóng say sưa quá ông không thấy đau, về nhà mới nhận ra. Trong phim Cải ơi, có phân đoạn Mạc Can phải diễn dưới sông cùng một con trâu. Khi ấy, ông bị nó đạp mạnh vào chân mà không hay biết. Lúc lên bờ, nam nghệ sĩ mới phát hiện chân mình bị sưng to, tụ máu.

Ông cũng chia sẻ bản thân chưa bao giờ học lời thoại, chủ yếu là nhập vai rồi có sao diễn vậy: “Từ nhỏ đến lớn, tôi không học lời thoại, chỉ cần biết sơ qua đường dây là diễn được. Nhiều người nói như vậy là không được, nhưng riêng tôi thì thấy như vậy sẽ tự nhiên hơn. Có lẽ, nhiều người thích tôi cũng vì lý do đó. Tôi không thích thoại kiểu cứng nhắc như “trả bài”, Man Can chia sẻ.

Là một người đa tài nên ngoài công việc diễn viên, Mạc Can còn chăm chỉ viết sách, soạn bản thảo. Ở mỗi ngành nghề, ông đều dành tình cảm và sự trân trọng đặc biệt: “Nếu như đi diễn hay làm xiếc, tôi phải vận động thân thể. Còn khi viết văn, tôi được kể những câu chuyện mà mình quan sát và cảm nhận trong đời sống thường ngày”, ông nói.

Ông chia sẻ, viết sách vì đam mê và cũng là để trang trải cuộc sống. Nhiều lần ông phải bán tác phẩm của mình để đóng tiền thuê nhà hay đổi lấy bữa cơm. Đơn cử là tác phẩm Tấm ván phóng dao (tiểu thuyết đầu tay của Mạc Can, phát hành năm 2005) từng giành được nhiều giải thưởng lớn nhưng khi có người hỏi mua để chuyển thể thành phim, ông quyết định… bán luôn.

“Cô Nguyễn Phan Linh Đan (đạo diễn phim “If wood could cry, it would cry blood” chuyển thể từ tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” – PV) giỏi lắm, chưa 30 tuổi mà đã học đạo diễn bên Mỹ. Khi đọc tác phẩm của tôi, cô thấy thích và ngỏ ý muốn mua lại, vì nghèo khổ quá nên tôi bán rồi”, Mạc Can nói và cho biết phim này sau đó đã đoạt giải trong khuôn khổ Liên hoan phim Busan năm 2021.

“Tôi chưa muốn chết, vì còn nhiều việc phải làm”

Ngẫm lại những vai diễn đã qua, Mạc Can cho biết nhiều vai giống hệt cuộc đời ông. “Bởi vì tôi hay đóng vai nghèo khổ và ngoài đời tôi cũng như vậy”, lão nghệ sĩ nói với ánh mắt đượm buồn.

Làm đủ thứ nghề, cống hiến cho nghệ thuật hơn 50 năm nhưng Mạc Can cho biết cát-xê với ông vẫn không đủ sống, làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Trong căn phòng trọ hơn 10 m2, vật giá trị nhất có lẽ là chiếc máy tính xách tay ông được bạn tặng, để viết bản thảo hàng ngày. Dù từng được một số nghệ sĩ và nhà hảo tâm giúp đỡ, Mạc Can vẫn muốn tiếp tục cống hiến và kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình.

Dẫu đi qua gần hết đời người, lão nghệ sĩ cho biết vẫn cảm thấy xúc động, lâng lâng mỗi lần được khán giả khen diễn hay, có hồn. Gần đây nhất, vai diễn của Mạc Can trong Chuyện ma gần nhà được nhiều khán giả yêu thích. Ông nấc nghẹn: “Tôi nghe nói người ta khen vai diễn của tôi nhiều. Ở tuổi này mà còn được khen, tôi xúc động lắm”.

Mạc Can kể lúc nhận vai, đoàn phim cho xe và bác sĩ đến tận nhà, đưa ông ra phim trường. Tới nơi, người ta bế ông lên lầu, lúc có phân cảnh thì mời ông ra diễn. Do khó khăn trong việc đi lại nên nghệ sĩ thường ngồi một chỗ. Đạo diễn nhắc sao thì ông diễn y vậy. “Tôi diễn cái nào ra cái đó. Tôi được khen nhất là đôi mắt. Vì cặp mắt tôi có thể biến hóa từ vai thiện đến vai ác”, Mạc Can nói.

Tuy tuổi đã cao, đi lại khó khăn nhưng người nghệ sĩ già vẫn muốn cống hiến thật nhiều cho nghệ thuật. Ông bảo chỉ là nhớ nghề, muốn diễn cho vui chứ không quan tâm đến cát-xê dù bản thân cũng chẳng dư dả. “Người ta đưa vai diễn, hỏi tôi giá bao nhiêu. Tôi trả lời rằng các ông có cơm thì tôi cũng có cháo, chứ tôi không ra giá”, người đã cống hiến cho nghệ thuật hơn 50 năm trải lòng.

Ở tuổi gần đất xa trời, Mạc Can hiếm khi ra ngoài, phần vì sức khỏe giảm sút, phần vì những người bạn thân cũng đã lần lượt ra đi. Ông bảo: “Tôi chỉ có vài người bạn như Nguyễn Chánh Tín, Hồng Sến, Hồ Kiểng. Họ mất rồi, giờ chỉ còn mình tôi. Buồn lắm nhưng tôi vẫn thường nói mình không chết được vì còn nhiều việc phải làm”.

Bây giờ có người gọi đi phim là ông mừng đến không ngủ được. Lúc không có vai, nghệ sĩ thường ở nhà gõ bản thảo. “Tôi để máy tính kế bên mình, mỗi ngày viết vài trang sách, mệt thì ngủ, nằm chiêm bao lại nghĩ ra chuyện để viết”, lời Mạc Can.

Ông tâm sự bản thân đang ấp ủ 2 tiểu thuyết hài kịch và bi kịch, hứa hẹn sẽ ra mắt trong thời gian tới. Ông cũng hy vọng mình có thêm nhiều cơ hội để cống hiến với nghề. Nếu bộ phim nào cần, ông sẵn sàng tham gia diễn xuất.

Nôi dung: Triết Lý – Hân Nguyễn
Ảnh: Quang Ninh
Video: Phương Nhi

Theo Dân Trí

Nghệ sĩ Mạc Can đau đớn: “Vợ mất mà gia đình giấu tôi suốt mấy tháng nay”

Mới đây, PV Dân trí đã đến nhà thăm nghệ sĩ Mạc Can. Thời gian qua, sức khỏe của nam nghệ sĩ không ổn định như trước, một phần do tuổi già, một phần do bệnh tật triền miên.

Hiện tại ông chỉ có thể ngồi một chỗ, hạn chế đi lại. Mỗi lần đi vệ sinh, ông thường men theo đồ đạc trong nhà để tìm điểm tựa. Cách 1-2 ngày, con gái út lại ghé thăm, mua đồ dùng cá nhân và nấu nướng cho nam nghệ sĩ. 

Khi PV hỏi về vợ của ông, nam nghệ sĩ bất ngờ cho biết: “Bà ấy mất rồi, mất cách đây vài tháng… Lúc đó, tôi không biết. Hôm 3/9, con gái út của tôi mới nói “má mất rồi”. Có một đợt, vợ tôi ngồi ở góc nhà, ngước đầu lên trần rồi nói không thở được. Đến khi vô bệnh viện thì phải thở máy. Bà ấy mất lúc nào cũng không ai cho tôi hay, giờ tôi mới biết”. 

Nghệ sĩ Mạc Can đau đớn: Vợ mất mà gia đình giấu tôi suốt mấy tháng nay - 1
Sức khỏe nghệ sĩ Mạc Can hiện không ổn định (Ảnh: Ngọc Hân).

Trước đó, vì nhiều bất đồng trong cuộc sống nên nam nghệ sĩ và vợ tạm chia tay. Sau này, hai người có cơ hội “gương vỡ lại lành” nhờ sự hàn gắn của em gái. Trong chương trình Gõ cửa thăm nhà phát hồi tháng 5/2021, bà Lê Ngọc Yến – em ruột nghệ sĩ Mạc Can – tâm sự: “Tôi muốn anh chị mình được hạnh phúc, nhưng chẳng may đổ vỡ. Tôi cũng muốn hàn gắn để những năm cuối đời, anh Can nối lại được với người vợ hồi đó tới giờ”.

Trớ trêu thay, hạnh phúc chưa bao lâu thì nay ông lại hay tin vợ lâm bệnh nặng, không qua khỏi. Nghệ sĩ 77 tuổi ngậm ngùi chia sẻ: “Hèn chi bà ấy không về nhà, cũng không hỏi thăm tôi. Lần nào tôi hỏi “má đâu con”, con gái tôi cũng bảo “má chưa hết bệnh”. Nó cứ nói suốt như vậy. Hôm qua, nó mới nói sự thật. Lúc nghe kể, mặt tôi tỉnh queo vì không tin đó là sự thật”.

Nói đến đây, nghệ sĩ Mạc Can không cầm được nước mắt. 

Nghệ sĩ Mạc Can đau đớn: Vợ mất mà gia đình giấu tôi suốt mấy tháng nay - 2
Nghệ sĩ Mạc Can không cầm được nước mắt khi báo tin vợ qua đời với PV Dân trí (Ảnh: Ngọc Hân). 

Chia sẻ thêm với PV Dân Trí, bà Yến – em gái nghệ sĩ Mạc Can – bùi ngùi: “Chị dâu tôi mất do ung thư phổi giai đoạn cuối. Lúc chị mất, nhà giấu nhẹm không cho anh Can biết, sợ anh buồn rồi suy sụp, không thể vượt qua cú sốc. Chị ấy mất cách đây vài tháng rồi mà hôm 3/9 gia đình mới dám báo tin cho anh biết”.

Trao đổi thêm về hoàn cảnh của nghệ sĩ Mạc Can, bà Yến cho hay từ năm 2021,  bà đưa anh trai về sống cùng để chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Sau này, khi nghệ sĩ Mạc Can và vợ cũ tái hợp, ông quyết định dọn về sống với vợ trong căn nhà thuê.

Bà Yến cho biết thêm, dù biết tin vợ đã mất nhưng Mạc Can vẫn không muốn dọn về sống cùng em gái vì sợ trở thành gánh nặng cho cô khi phải nuôi cùng lúc 2 người anh bệnh tật.

Nghệ sĩ Mạc Can đau đớn: Vợ mất mà gia đình giấu tôi suốt mấy tháng nay - 3
Những vai diễn của nghệ sĩ Mạc Can là một phần kí ức khó quên của nhiều thế hệ (Ảnh: Tư liệu).

Mạc Can là một trong những diễn viên gạo cội thập niên 80, 90. Ông có nhiều vai diễn để đời, trở thành ký ức khó quên của nhiều thế hệ khán giả, tiêu biểu là vai quỷ xanh trong Cổ tích Việt Nam: Người học trò và ba con quỷ, bác Ba Phi trong Đất Phương Nam, vai yêu tinh trong Cổ tích Việt Nam: Hoàng tử cứu mẹ… 

Dù phải sống một mình trong căn nhà thuê vỏn vẹn 10m2 tại quận Bình Tân (TPHCM) nhưng nam nghệ sĩ vẫn giữ tinh thần lạc quan, mỗi ngày đều soạn bản thảo, đọc tin tức.

Theo DÂN TRÍ

Bà già đi bộ

Buổi sáng, bà già bước chầm chậm ra sân, đến nơi có cái bàn thiên sau hàng rào bông bụp. Bà thắp nhang cắm vô cái lon sữa cũ đầy cát, lúc sau bà rải lúa cho gà ăn. Khoảng trưa, bà nằm trên võng ngủ một giấc. Gần chiều, bà ra khỏi nhà rồi đi đâu mất tiêu.

Minh họa: Bích Khoa

Về sau mới biết thì ra hôm đó vui chân bà đi qua nhà này nhà kia, cũng vòng vòng trong lối xóm, lần khân đi tới chiều rồi tối quên về nhà. Người nhà cũng quen tánh bà khỏi mắc công đi kiếm làm chi. Lâu lâu bà đi chơi chút xíu, có khi vài ngày vài tháng, có lần bà ở chơi đâu đó hai ba tháng, một năm rồi dìa. Năm nay, bà sáu mươi lăm tuổi cũng hưỡn. Thì giờ ở đây rộng rãi thảnh thơi. Không khác với trời đất vốn cũng như vậy từ nhiều đời.

Với hai bàn chân lớn, gót chân chai cứng, từ hồi nhỏ quen bước, trên vườn dưới ruộng. Bà lội bộ từ xã này qua huyện kia, miền Tây lục tỉnh này, phố chợ liền mí nhau, ở sâu trong đồng, trong vườn cây. Nhà nào trước sân cũng có lu nước và cái gáo dừa khô tra cán, bà già tạt qua, múc gáo nước uống rồi lại đi.

Lâu lắm rồi bà không về thăm người dì già khú đế, nhà bà dì ở tuốt trong xẻo, một bà già coi ngộ, sanh ở đâu thì quyết liệt chết ở đó, khỏi đi, khỏi chôn đâu xa mất công. Con cháu của bà dì có người lớn đại, râu ria um tùm, cũng chỉ ở một nơi, nhiều lắm là chèo xuồng loanh quanh rồi dìa nằm võng ngủ khò. Tới thăm bà dì thấy cái lu cái hũ cũng cũ.

Ông dượng Bảy to lớn, ăn nói chậm chạp tử tế. Ông hút thuốc rê đuôi thuốc dán đầy cái cột nhà. Bà dì cầm bà cháu già ở lại chơi vài tháng. Rồi thì bà già ham vui cũng đi nơi khác, thăm hỏi ai đó xa hơn, lần này đi tìm người chị một cha khác mẹ.

Một buổi trưa, bà già đi ngang qua cánh đồng nhiều màu, màu nâu của đất, màu rơm rạ vàng thau, màu trời xanh in bóng nước. Bà thấy cái chòi chăn vịt, bầy vịt chạy đồng trắng toát cả ngàn con túm tụm như sợ ma, không một con ra khỏi bầy, ngó ngang ngó dọc cùng một lúc. Bà ghé qua ngồi nghỉ chân, chòi vắng te, gió thổi trước sau lồng lộng, bốn phương tám hướng.

Bà già ngủ một giấc quá đã, thức dậy kiến cắn bụng, bà thấy cái nồi đất, bà bốc cơm nguội ăn với mắm sống, bà chỉ còn một cái răng trậm trầy trậm trật cắn trái ớt hiểm hít hà. Xương mắm cắm vô cái nướu, bà tằn mằn bứt nó ra tỉnh bơ.

Ngồi chơi một chút thấy chai rượu trắng, miệng chai đút nút lá chuối, bà rót ra một chén mần một hơi, khà một tiếng đã đời. Làm cho mấy con vịt hết hồn nhìn bà kêu cạp cạp. Bà cũng cắc cớ kêu cạp cạp như nói chuyện với mấy con vịt. Nghe tiếng bà, lũ vịt đàng xa vội bơi về như gặp bà con.

Bà nhìn quanh tìm chủ chòi cám ơn. Khỏi cám ơn, muốn cám cũng có ai đâu mà cám, bà lại te te đi thẳng từ cánh đồng ra trục lộ, xe đò chạy tít tắp, người ta phơi lúa vàng lộ, bà già cứ thong thả đi. Lộ nhỏ, đàng xa là cây cầu đúc, xe bên này cũng không tránh xe bên kia, cứ nhấn ga tới luôn bác tài.

Bà đi lên cầu, mé sông đầy ghe xuồng, nhà sàn de ra sông, mặt trong là chợ, buôn bán với người trên bờ, mặt ngoài cũng chợ, làm ăn với người dưới sông. Bà ghé anh Tám lò hủ tiếu nhà mặt tiền nhà lồng chợ, ghé thím Năm bán chiếu, giỏ đệm, rổ tre, cần xế cho ghe chở trái cây. Bà tấp vô nhà sàn của thím, hỏi thăm Út nhỏ có chồng chưa, dạo quanh chợ thăm người này người kia cũng cả mấy ngày.

Ở đâu cũng là nhà, bà sanh đẻ ở đây, chỗ nào chẳng có bà con, cháu chít như cá như tôm, nội đi thăm không đã hết đời. Nói vậy chớ còn trong cả ngàn thiên hạ, làm sao mà quen cho hết, có điều nếu không ai quen, nói qua nói lại một hồi cũng quen.

Như cái lần một bà già không quen gặp bà trên phà Cao Lãnh qua bên kia Long Xuyên, nói chuyện một hồi thì quen, bà này nói chuyện hồi xưa nhà bà có cây ổi với con khỉ, có đâu mà có, khỉ đâu mà khỉ, nói chuyện năm trên vậy mà.

Chuyện trên phà cho qua. Hôm rồi lỡ đường bà nhờ ông xe lôi cho ở nhờ, ông xe lôi vui vẻ nói không lo. Đêm bà thức nói chuyện với bà chủ nhà, trời khiến bà này đúng là bà già gặp bà trên phà, nói chuyện cây ổi với con khỉ.

Bà nói chuyện tự nhiên như ở nhà mình, chuyện này nọ, chuyện mấy đứa con gái, chuyện dâu rể, chuyện bà có thằng rể làm y tá chế độ cũ, học tập xong về quê cũng làm y tá như cũ, nhưng mát tay nên trong xóm ai cũng kêu bằng bác sĩ. Y cao ráo tài giỏi thiệt cho nên nhiều bà mê, chèo xuồng đi chữa bịnh, dính luôn con vợ bé…

Bà già nói chuyện cho tới khi bà chủ nhà nấu cơm sáng cho ông chồng đạp xe lôi ăn. Hừng sáng gà gáy bà tiếp tục lên đường. Bà không biết xài tiền, cũng không thích ngồi xe đò, sợ hơi xăng. Những dòng sông nhỏ song song với con đường lộ.

Một lúc sau cả hai lạc nhau, sông một nẻo, đường lộ một nơi, suốt vạn dặm. Riêng bà già lúc thì trên mui chiếc ghe chày chở khẳm lúa, lúc thì ngồi quá giang ở càng chiếc xe lôi đạp, nói tiếp vài chuyện đời với người trên xe, chuyện người rể bác sĩ vườn, lớn đại rồi mà ham vui đi chơi như em bé quên đường về.

Chỉ tội cho con vợ chánh ở nhà bồng con ra đứng ở vàm sông trông đợi. Nói cảnh tình thằng rể mà bà quên, bà cũng đang vui chân đi tuốt luốt khác gì là chàng rể.

Một buổi chiều nào đó, mặt trời đã lặn, đỏ au cuối lũy tre, nhựa đen trên đường vẫn còn nóng, ăn thua gì, chỉ làm ấm hai bàn chân, bà già chân không vẫn bước.

Nhìn lại con đường đã đi qua thì bà xa nhà cũng hơi lâu. Lần khân từ hai ba tháng trước, đâu hồi cuối tháng tư đầu tháng năm nắng ran, đi qua bao nhiêu làng mạc, bây giờ tháng sáu tháng bảy không thấy mưa, nhiều nơi đất ruộng nứt nẻ.

Chiều nay, bà già dừng chân chỗ cái quán bên đường, bà thấy từ xa có một khoảng mờ trắng, gió thổi mạnh, tới gần thì ra là cơn mưa đầu mùa, sấm chớp xanh lè trên trời, đi một khúc trời lại nắng, con lộ dài thăm thẳm lúc này chỉ thấy bóng một mình bà thui thủi lúc nắng lúc mưa.

Đừng hỏi bà già làm sao mà sống, nghĩa là ăn uống, ngủ nghỉ và các chuyện khác, vậy mà bà vẫn đi và vẫn sống khỏe re. Đâu phải như mấy đứa nhỏ chạy đua mà mệt, bà đi từ từ xóm này qua xóm kia rong chơi. Bà đi từng bước nhỏ, con rùa từ từ bò rồi cũng thấy cái hang của mình.

Đã đi bộ từ Năm Căn tới chợ Vãng Long nầy được rồi… thì đi luôn, tới đây bà nhìn cột cây số, bà đứng nghỉ chân đón ngọn gió thổi về một hướng, như chiếc lược chải xuôi lại mái tóc điểm bạc của bà.

Bà chợt nhớ Hai Tô – con trai của bà – có vợ miệt này với đứa cháu nội gái lâu nay chưa biết mặt. Bà quay lại tìm, đi ngược qua mấy cây số mới tới chỗ Cầu Đôi, lội bộ thêm vài cây số thì tới chợ Hòa Lộc, đi xe ôm chi, không đi xe ôm cũng tới.

Con đường đất đỏ vô nhà Hai Tô coi vậy mà khó bước. Tháng mưa trơn lùi với nước sông tràn bờ không khéo chụp ếch, chỉ đi được ở mé mé cỏ nhìn nhìn mấy gò mả cũ mới trên ruộng. Bà già cằn nhằn, lại còn qua cầu khỉ cầu vượn mắc công, bà bước xuống rạch lội tắt qua bên kia, lội qua khúc rạch nước trong khe có cái bộng dừa, đưa nước ngoài ruộng vô mương, có mấy con cá bống rảnh rang lội chơi.

Bà già lội qua hàng chuối hoang, con rùa nhỏ nằm ngủ trên mô đất, mấy ngọn lúa ma đưa nhánh bông cứng lên khỏi mặt nước, lội một chút cũng đã thấy cái cầu ván, bên kia con rạch, miếng ván de ra sông cửa sau nhà của Hai Tô con trai của bà. Hai Tô nín thinh chèo chiếc xuồng cũ trét dầu chai tá lả, từ lùm cây bần ra dáo dác thấy bà già leo lên miếng ván ngồi rửa chân. Có tiếng ho khan từ trong căn nhà lá xiêu vẹo của Hai Tô.

Con gái Hai Tô ngồi trên chiếc xuồng với vài con cá mè vinh vảy bạc dưới bụng xuồng và một con tép nhỏ. Nó bận cái áo bà ba màu cháo lòng, của người lớn, nước mưa ướt vai, thân dính bùn sình. Con nhỏ ít nói, gương mặt quàu quạu, đôi mắt buồn như khóc.

Bà lội bộ đi thăm cháu như những dòng sông nơi này, vẫn thường phiêu lưu ngày tháng qua những con sông khác. Nước lớn tràn bờ, cánh đồng ngoài kia nhìn ngút mắt. Nước mấp mé cây cầu ván, mặt nước in bóng chiếc xuồng cũ, in bóng con trai của bà với bà và đứa cháu gái. Sông bao nhiêu tuổi, không thể nhớ, không thể biết, không thể hỏi.

Trên sóng nước con sông ngược xuôi với bao cuộc hội ngộ, dòng sông khó hay rằng mình chứng kiến biết bao thay đổi phận người. Chậm chạp lừ đừ từ đời này qua đời khác. Rồi cháu của bà cũng cười tươi khi bận chiếc áo mới, căn nhà xiêu vẹo của vợ chồng Hai Tô ngon lành hơn, con đường đất đỏ từ Cầu Đôi vô chợ Hòa Lộc phải tráng nhựa.

Bà nhìn qua bên kia sông, cánh đồng rồi cũng sẽ ngăn được mặn. Lượt về bà đi ngang qua đó với màu xanh nền trời của lúa mới trổ đòng đòng. Đó là chuyến đi cuối cùng của bà về thăm cháu. Có nỗi buồn sau đó có muốn đi cũng không đi được, cho nên bà hay đi vậy mà. Miền Tây hoang dã của lưu dân khai hoang mở đất, cũng không thiếu chi các ông bà đi thăm cháu, như cuộc phiêu lưu với nắng gió sông nước vậy thôi.

■ MẠC CAN

Mạc Can tạp bút

Tạp bút nhưng không giống tạp bút. Trong mớ bòng bong, rối rắm chữ nghĩa Mạc Can tung ra, người đọc muốn tìm “vàng” chỉ còn cách phải chịu khó “đãi” chữ.

Tên sách: Mạc Can tạp bút.
Tác giả: Mạc Can.
NXB Trẻ, xuất bản theo hợp đồng sử dụng tác phẩm thời hạn 2006-2016. 

tomacacan-1349255506_480x0_r_460x0.jpg
Bìa cuốn “Mạc Can tạp bút”.

Nếu quen đọc những tạp bút, tạp văn ngăn ngắn, câu chữ gọn gàng có lẽ bạn sẽ “choáng” khi đọc tạp bút Mạc Can. “Tản mạn. Tạp văn. Tạp bút. Tưởng tượng. Chiêm bao. Truyện ngắn & vài chuyện có thật…”. Ngay từ lời giới thiệu sách, Mạc Can “cảnh báo” người đọc cái sự không rõ ràng về thể loại của cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Nhưng cứ tạm gọi nó là tạp bút, là những chuyện nghĩ gì viết nấy của “ cây bút trẻ hơn 60 tuổi“.

Đọc cuốn sách như đang tham gia một trò chơi, hoặc thử làm một trò ảo thuật với các “bé chữ” của Mạc Can. Một cách sắp xếp trình bày sách có chủ ý: Rải rác giữa các trang sách là một số chữ in đậm, thỉnh thoảng lại có vài dòng in nghiêng. Thậm chí Mạc Can còn bày cho độc giả khả năng “nói tiếng thứ hai sau vỏ não, nói làm sao để không thành lời” và trở thành “nhà ngoại cảm”. Nghe thì có vẻ bí hiểm nhưng thật ra là cách ông dẫn dắt người đọc vào những suy nghĩ, tình cảm về con người ông, về bạn bè thân sơ, về cái sự cực nhọc cùng nguy hiểm của nghề viết văn. Chẳng thế mà ông thổ lộ mình “quý trọng các Hiệp sĩ, các nhà văn, các Bá tước sang trọng trong suy nghĩ, những kẻ hay ngộ nạn, tử vì đạo” và có ước muốn trở thành “người đi kiếm khôi phục lại gương mặt những trang Hiệp sĩ”. Lần lượt các bức “biếm họa bằng chữ” về ông già Sơn Nam, nhà văn Hồ Anh Thái, nhà văn Mai Sơn, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Vĩnh Nguyên… hiện ra dưới cách nhìn têu tếu nhưng chân thành và cảm động.  

Sau tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, tập truyện ngắn Tờ 100 đô la âm phủ, Món nợ kịch trường, Người nói tiếng Bồ Câu… và những vai diễn bi hài, Mạc Can – bằng tạp bút, “thứ tiếng nói thứ 2 sau vỏ não” – đã suy ngẫm về cuộc đời của chính ông trong mối tương quan với nhiều người.

Có lẽ Mạc Can chưa bao giờ cố tình làm ra vẻ đặc biệt, thế nhưng, dù muốn hay không, con đường bước vào văn nghiệp và văn phong của ông vẫn đặc biệt. Nhân dịp ra mắt tập sách Mạc Can tạp bút, ngày 11/8, NXB Trẻ tổ chức buổi gặp gỡ chủ đề “Trà đá với Mạc Can” tại Quán Đoàn viên, số 6, Huyền Trân Công Chúa, quận 1, TP HCM. 

Anh Vân

(VnExpress)

Dự án điện ảnh chuyển thể ‘Tấm ván phóng dao’ đạt giải tại LHP Quốc tế Busan

Dự án phim “If wood could cry, it would cry blood” của nữ đạo diễn Nguyễn Phan Linh Đan giành giải của Chợ dự án châu Á tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2021.

Phim chuyển thể của đạo diễn Nguyễn Phan Linh Đan đạt giải tại LHP Quốc tế Busan

Chợ dự án châu Á 2021 (Asian Project Market – APM) nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Busan tại Hàn Quốc, là hoạt động lúc đầu được mở nhằm tạo cho các nhà làm phim tiềm năng trong khu vực cơ hội gặp gỡ các chuyên gia điện ảnh hàng đầu trên trường quốc tế. Giờ đây đã phát triển thành chợ dự án có uy tín và lớn nhất nhất châu Á.

Trước đó, APM đã công bố 25 dự án phim từ 15 quốc gia được mời tham dự từ 429 bộ phim được gửi tới đăng ký. Năm nay, APM tổ chức các cuộc họp trực tuyến cho những người tham gia quốc tế và đồng thời tổ chức các cuộc họp tại chỗ cho những người tham dự trong nước.

Tổng số 100 người thuộc 91 công ty và tổ chức đã tham gia 515 cuộc họp kinh doanh chính thức được tiến hành trong APM, tái khẳng định mức độ quan tâm cao đối với các dự án đã chọn. APM là một địa chỉ tin cậy từ năm 1999, và đây là lần tổ chức thứ 24. Liên hoan phim Quốc tế Busan nằm trong các liên hoan phim quan trọng nhất thế giới.

“Tấm ván phóng dao” là tiểu thuyết nổi tiếng của nghệ sĩ Mạc Can.

Trong số 25 phim tham gia chợ dự án có 2 tác phẩm của Việt Nam. Đó là “Memento Mori: Nước” của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ và “Nếu gỗ có thể khóc, gỗ sẽ khóc ra máu” (If wood could cry, it would cry blood) của đạo diễn Nguyễn Phan Linh Đan. Những người được trao giải cho 7 mục giải thưởng năm 2021 đã được công bố vào hôm qua – 14/10, ngày cuối cùng của chương trình APM.
Trong đó, bộ phim “If wood could cry, it would cry blood” là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết tự truyện “Tấm ván phóng dao” của nghệ sĩ hài nổi tiếng Việt Nam – Mạc Can và do chính đạo diễn Nguyễn Phan Linh Đan là tác giả kịch bản, được nhận Giải thưởng quốc tế ArteKino, trị giá 6,000 Euro. Giải thưởng do Arte France – Thương hiệu hàng đầu và uy tín về phim điện ảnh ở Pháp, trao cho các dự án tiềm năng. Giải thưởng này có thể là bước khởi đầu thuận lợi cho dự án cho việc tiếp cận các quỹ điện ảnh trên thế giới đặc biệt là châu Âu và các nước Đông Nam Á.

Nguyễn Phan Linh Đan từng theo tại trường Đại học New York University (NYU) – Tisch School of the Arts, trường Điện ảnh top 1 của Mỹ. Nữ đạo diễn từng quay nhiều phim ngắn tham dự các liên hoan phim lớn như: Tribeca Film Festival, Busan International Film Festival, SXSW… Khi học năm 3 đại học, phim ngắn “Vô diện” do Nguyễn Phan Thảo Đan đạo diễn và Linh Đan đồng biên kịch và làm DOP được nhận giải Cánh Diều Vàng.

7 Giải thưởng APM – 2021 gồm:

  • Giải thưởng Busan: Secret of My Father – Hàn Quốc
  • Giải thưởng CJ ENM: Before, Now & Then – Indonesia
  • Giải thưởng KB: Fixed Love, Fixed Girl – Hàn Quốc
  • Giải thưởng Nutrilite: Lives of Crime – Đài Loan
  • Giải thưởng quốc tế ArteKino: If wood could cry, it would cry blood – Việt Nam
  • Giải thưởng Pop Up Film Residency: Elephants in the Fog – Nepal
  • Giải thưởng Moneff: Spectrum – Hàn Quốc

Thứ bảy, 16/10/2021
NHÃ AN
(baophapluat.vn)

Mạc Can Fan’s Club

Mạc Can vừa xuất bản cuốn sách thứ 3 của ông “Những bầy mèo vô sinh”, một kỷ lục đáng nể trong làng văn, bởi vì ông mới bắt đầu được công nhận là nhà văn từ năm 2005, khi “Tấm ván phóng dao” ra đời. Với “ông hề già” này, mỗi khi ngồi viết văn, là ông có cảm giác mình đang được sống một cuộc đời khác trên trang giấy, một cuộc đời không có chữ “hẩm hiu”…

Không nói tiếng người

Đây là cuốn tiếu thuyết thứ 3 của Mạc Can, sau “Tấm ván phóng dao” và “Phóng viên mồ côi”, càng đọc, người ta càng thấy ngạc nhiên bởi không thể ngờ được trí tưởng tượng của ông lại bay bổng và huyền diệu đến thế. Tiểu thuyết là một câu chuyện viễn tưởng chỉ nói về chuyện bồ câu và lũ mèo hoang, hình ảnh con người gần như mờ nhạt, nhưng lại có thể khiến bất cứ ai cũng phải giật mình. Bởi thoát ra khỏi thế giới bồ câu biết nói tiếng người và những con mèo hoang được nhân bản vô tính biết chụp vi ảnh để tàn sát loài người, thì câu chuyện chính là hai mặt giữa thiện và ác; giữa bình yên vô lo và đầy rẫy những mưu mô toan tính. Mạc Can giống như một người nằm nấp đâu đó “nghe trộm” những gì đang diễn ra trong thế giới của bồ câu và mèo hoang để rồi “dịch” nó sang tiếng người.

Bồ câu biết nói, nhưng chỉ nói những từ tử tế, dễ nghe. Bồ câu không trêu chọc, không khinh khi, không nói tàn độc, không nói câu gì làm mất lòng ai. Bồ câu thật thà, không mâu thuẫn. Thế giới của bồ câu yên bình, trong veo và phẳng lặng. Nhưng cũng chính vì vậy mà thế giới đó bị bầy mèo vô tình xâm chiếm. “Lũ mèo lội qua sông đen ngòm” áp đảo và xé nát cái khoảng không yên bình. 

Sau khi cuộc chiến chấm dứt, xóm Bồ Câu đã nằm dưới những cánh chim. Người ta đi tìm, chỉ thấy cái xóm yên bình trong veo này nằm “li ti tận chân mây”. Có khi, nó hiện lên trong sương sớm rồi lại biến mất khi trời đổ nắng. Cái xóm Bồ Câu – mong ước của con người về một thế giới yên bình mãi mãi, không có chiến tranh, tội ác và những mưu mô toan tính – chỉ là một thiên đường hư ảo nằm ở phía chân trời. Tuy chỉ dày 254 trang, nhưng đây là cuốn sách mà Mạc Can đã thầm lặng viết trong mấy năm vừa qua, xóa đi sửa lại nhiều lần. và gửi gắm khá nhiều trải nghiệm. Mở đầu bằng chuyện tình bồ câu của gia đình ông Chín rồi thêm rất nhiều “gia vị” được lồng ghép trong khung cảnh hiện thực huyền ảo, Mạc Can đã dẫn dắt bạn đọc đi từ mối quan hệ gần gũi giữa ông SuDa -người chạy xe ôm và ông Già Ba – nhà văn, nhà nghiên cứu về mèo và những biến động của đời sống thông qua sự xuất hiện của những bầy mèo vô sinh…

Mạc Can Fan’s Club

Vào nghề viết khá muộn nhưng chắc hiếm có nhà văn nào như ông, được bạn đọc yêu quý và xây dựng một trang web riêng cho mình ở địa chỉ http://maccan.it.tt, (*) trên đó lưu giữ tất cả những gì liên quan đến ông. Lạc vào trang web này, người ta sẽ càng cảm thấy khó hiểu, bởi một con người như ông, xuất thân từ một gánh hát trôi nổi trên sông Tiền, vào làng giải trí với tư cách một ảo thuật gia, một cây hài trên sân khấu, trên màn ảnh, rồi cuối cùng lại bỏ hết để ngồi viết văn, không hiểu ông sẽ còn đem đến một điều bất ngờ nào nữa. Với hàng trăm ngàn những bạn đọc tự xếp mình vào Mạc Can Fan’s Club (Câu lạc bộ những người hâm mộ Mạc Can) thì ông đúng là một niềm tự hào của họ.

Rất hiếm khi Mạc Can vắng mặt ở quán cà phê số 81 đường Trần Quốc Thảo (TPHCM), vì đó là nơi ông thường ngồi cùng những người bạn bè văn nghệ sĩ của mình. Đi theo ông già vóc dáng nhỏ thó này là một chiếc xe máy thuộc vào hàng “khủng”, bởi chắc cả trái đất này không còn chiếc thứ 2 nào “cà tàng” hơn nó. Một hôm chiếc xe máy biến mất, bạn bè hỏi thăm, ông nói tỉnh queo: “Tôi cho rồi”. ông kể: “Có một người làm thợ hồ cứ ngồi nhìn chiếc xe của tôi đăm đăm, anh ta ao ước giá như có một chiềc xe như thế, sẽ chuyển nghề đi chở nước đá giao cho các quán ăn, chắc chắn sẽ “đổi đời”. Tôi thương quá, mình “rách” vậy rồi mà còn có người rách hơn, thế nhưng thương nhất là đến lúc tôi bảo cho anh đó cái xe, anh đó còn không tin, không dám nhận. Trời ơi là trời, bây giờ người ta còn không tin vào lòng tốt nữa hả trời? Tui phải dắt xe đến tận nhà, trao hết giấy tờ mới xong xuôi”.

Ảo thuật con chữ

64 tuổi đời mà Mạc Can vẫn nay đây mai đó, lo cho con cái nhà cửa đàng hoàng, ông “xin phép” vợ cho ra…ở riêng, chẳng phải đề “tòm tem” nhăng cuội, mà là đi thuê nhà để được sống một mình với những con chữ- thứ với ông giờ thiêng liêng hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Trước khi đi ông chỉ dận vợ một câu: “Bà nhớ lấy số mobile của tui, có gì thì kêu tui về ngay nha” rồi dấn thân vào kiếp…”đi hoang” nay đây mai đó. Ông thuê nhà trọ ở những xóm bình dân, chán lại chuyển chỗ khác. 

Không thể phủ nhận rằng văn ông càng lúc càng hay, thế nên nghe chuyện ông xé 500 trang bản thảo cuốn “Phóng viên mồ côi” để viết lại từ đầu vì “đọc thấy chưa sướng”, ít người tin là thực dù nó là chuyện thực. Trong cái “láp tóp’, (máy tính xách tay) phải băng bó bằng băng dính và keo con voi của Mạc Can, lúc nào cùng có dăm bảy “phai” (flle) đang sáng tác dở, viết cái này thấy chán, ông đóng lại để viết sang cái khác, vài ngày hết chán lại mở ra. Mạc Can viết văn y như thể khi ông làm ảo thuật trên sân khấu.

Chưa khi nào quên thân phận “thằng hề” giữa đám đông mà gần hết cuộc đời luôn đeo bám ông, Mạc Can bảo chỉ có trên những trang viết, ông mới được sống một cuộc đời khác hẳn, một cuộc đời không có chữ “hẩm hiu”. không có những ngày mưa đói dài cùng gánh hát.

(Theo Nông thôn ngày nay)

(*): Link trang maccan.it.tt đã hỏng. Link mới: https://maccan.home.blog

Nghệ sĩ Mạc Can đóng phim ở tuổi 77

Nghệ sĩ Mạc Can ở tuổi 77 chia sẽ về dự án Chuyện Ma Gần Nhà

Trong phim điện ảnh “Chuyện Ma Gần Nhà”, Mạc Can vào vai một chú hề. Ông hào hứng vì được đi đóng phim dù tuổi già, sức yếu.
Phim điện ảnh kinh dị “Chuyện Ma Gần Nhà” của đạo diễn Trần Hữu Tấn sẽ ra rạp trên toàn quốc từ ngày 11/02. Phim đánh dấu sự trở lại màn ảnh của nghệ sĩ Mạc Can ở tuổi 77. Ông hóa thân một nhân vật có cảm xúc, số phận đặc biệt với nhiều phân cảnh kinh dị đan xen tâm lý. Thời điểm quay phim, nghệ sĩ hào hứng vì có cơ hội làm nghề dù tuổi đã cao, sức yếu, đi lại khó khăn.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết, nhân vật trong phim phù hợp với Mạc Can nên anh đã chủ động mời ông tham gia. Ê-kíp đã chuẩn bị sẵn xe đưa đón tận nơi và bố trí người cõng diễn viên Mạc Can đến phim trường để hoàn thành vai diễn. “Ở tuổi 77, diễn viên Mạc Can vẫn minh mẩn, học lời thoại nhanh. Và đặc biệt khi vào vai diễn, đứng trước máy quay, ông có một nguồn năng lượng vô cùng mạnh mẽ”, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ.
Nghệ sĩ 77 tuổi bày tỏ sự hạnh phúc khi vẫn còn người nhớ tới và mời ông đi đóng phim. Hiện nghệ sĩ Mạc Can sống tại nhà trọ 10 m2 tại quận Bình Tân, TP.HCM. Ông nương tựa bạn đời – Dương Thị Mai (73 tuổi), không muốn phiền con cháu. Một bên chân của Mạc Can không cử động được khiến ông di chuyển khó khăn, chủ yếu nằm trên giường. Trước khi đổ bệnh, ông có thu nhập từ việc biểu diễn sân khấu, đóng phim và viết lách.
Nghệ sĩ Mạc Can tên thật Lê Trung Can, sinh năm 1945 tại Tiền Giang. Ông tham gia rất nhiều lĩnh vực: viết văn, đóng phim, biên kịch, làm ảo thuật, diễn hài… Mạc Can cũng viết nhiều sách như: Ba… ngàn lẻ một đêm, Quỷ với bụt và thần chết, Tấm ván phóng dao… Những bộ phim ông từng tham gia là Ván bài lật ngửa, Người đẹp Tây Đô, Đất khách, Cổ tích Việt Nam, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam… Năm 1997, ông ghi dấu với vai bác Ba Phi trong phim truyền hình nổi tiếng – Đất phương Nam.

Đoàn phim “Chuyện Ma Gần Nhà” bố trí người túc trực, chăm sóc sức khỏe nghệ sĩ Mạc Can.
Tại phim trường, Mạc Can vô cùng lạc quan, yêu đời, luôn nở nụ cười thường trực trên môi. 

Nguồn: danviet.vn

U80, diễn viên Mạc Can khiến khán giả “ngả mũ”

Không cần phải “gồng” hay hò hét, nhăn nhó để hù dọa, diễn viên Mạc Can chinh phục khán giả bằng diễn xuất, thần thái lão luyện trong “Chuyện ma gần nhà”.
Nhà phát hành CGV vừa công bố bộ phim “Chuyện ma gần nhà” cán mốc 53 tỉ đồng sau bốn ngày công chiếu đầu tiên. Phim ra mắt từ ngày 11-2 và hiện bán được 670.000 vé. Tác phẩm dẫn đầu về phòng vé Việt cả về số suất chiếu và doanh thu sau bốn ngày.
Đây không phải là doanh thu “khủng” như từng có trong lịch sử doanh thu của phim Việt trước đây nhưng là con số ấn tượng sau thời gian dài rạp phim Việt đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong đó, thành công của phim phải kể đến diễn xuất tuyệt vời của diễn viên Mạc Can. Không cần gồng hay hò hét, nhăn nhó nhưng mỗi lần xuất hiện, ông đều để lại những ấn tượng đặc biệt với người xem.
Trong vai ảo thuật gia hết thời, bị tai nạn nghề nghiệp và phải ở trong một chung cư cũ nát, người cha mê tà thuật, diễn viên Mạc Can gây ám ảnh với những câu thoại rất đời thường: “Ủa rồi lỡ cháy chung cư chết hết rồi sao” – “Thì kệ chứ sao!”.
Cái hay trong kịch bản là khi khán giả không biết nhân vật sẽ đứng về phe thiện hay ác và từ đó mỗi khung hình đều là nỗi sợ.
Thành công của diễn viên Mạc Can đến từ việc ông đóng như không đóng. Không cố phải hóa thân thành nhân vật, ông xuất hiện như đang sống cuộc sống của chính mình trên phim. Hơn nữa, với cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, chuyện gì ông cũng đã trải qua, chuyện gì ông cũng nhìn thấu nên việc sống cuộc đời của ai đó trên phim, với ông không quá khó.
Cái hay ở chỗ với nhân vật nào, ông cũng “sống” như đó là cuộc đời của mình. Minh chứng như nhân vật trong “Chuyện ma gần nhà”, ông không dọa ma người khác nhưng làm người xem ám ảnh bởi hình ảnh đó thân thuộc, gần gũi lắm như thể đó là người đàn ông hàng xóm bên cạnh nhà.
Sức khỏe của diễn viên Mạc Can không tốt lắm. Trong căn nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn (TP HCM), ông đi lại khó khăn, chỉ di chuyển chậm rãi từ phòng ngủ ra phòng khách. Nghệ sĩ 76 tuổi cho biết kể từ khi chuyển về ở chung nhà với người em gái út, nhiều đồng nghiệp, khán giả đến thăm ông. Tuy nhiên, nghệ sĩ Mạc Can vẫn cảm thấy buồn vì nơi ở hiện tại cách xa trung tâm, khó gặp gỡ bạn bè, đi diễn như trước.


Nói về vai diễn của mình trong “Chuyện ma gần nhà”, ông nói: “Tui đi khoảng 10 ngày để đóng phim. Đạo diễn Trần Hữu Tấn nói đó là vai diễn đo ni đóng giày cho tui. Buổi sáng, xe của đoàn phim đến nhà rước và chở về khi quay xong. Ê-kíp phim chu đáo lắm, họ còn thuê bác sĩ riêng để chăm sóc phòng khi tui đang quay thì bị ngất xỉu”.
Ông nói 10 ngày quay phim mệt nhưng vui vì được gặp gỡ đồng nghiệp và nhiều diễn viên trẻ. Họ thường xuyên hỏi han và dìu đỡ ông trong những cảnh đi lại nhiều. Nghệ sĩ già cũng ăn chung cùng cả đoàn phim trên phim trường. “Họ ăn gì, tui ăn nấy. Quay xong thì nghỉ ngơi tại chỗ. Lâu lắm rồi tui mới quay lại đóng phim điện ảnh, thấy vui lắm. Đi làm không thấy mệt mà ở nhà riết bị tù tùng” – Mạc Can chia sẻ.
Một công ty sản xuất phim tại Mỹ vừa liên hệ ông mua lại tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” để chuyển thể thành phim. Mạc Can cho biết đơn vị này trả mức giá hơn 100 triệu đồng và liên lạc với ông thông qua người đại diện tại Việt Nam.
Trên Google Trend (website chuyên phân tích độ phổ biến của sự kiện, sản phẩm), “Chuyện ma gần nhà” là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất Việt Nam trong ngày 11-2. Sức hút của phim vẫn duy trì đến những ngày sau khi luôn giữ trên 2.000 suất chiếu mỗi ngày.
Trong ngày Valentine (14-2), bộ phim vẫn được đông đảo khán giả lựa chọn. Đạo diễn Trần Hữu Tấn thấy may mắn và bất ngờ khi phim được đông khán giả lựa chọn như vậy. Anh cho biết thêm: “Việc phim “Chuyện ma gần nhà” nhận được nhiều thành tích chứng tỏ rằng khán giả vẫn yêu thương và ủng hộ phim Việt. Đặc biệt thành công này đến từ thể loại kinh dị vốn dĩ vốn không phải thể loại dành cho khán giả đại chúng, càng cho thấy tiềm năng của dòng phim này. Với tất cả tín hiệu lạc quan đó, tôi tin rằng thị trường sẽ sớm hồi phục như thời điểm trước dịch”.
Nhà sản xuất Hoàng Quân cũng lý giải: “Ngoài yếu tố truyền thuyết đô thị đang thu hút khán giả, thì việc bộ phim tạo nên cơn bão tranh cãi cùng những ý kiến tranh luận sôi nổi cũng khiến khán giả tò mò muốn tự mình trải nghiệm. Nhưng trên hết tôi tin tác phẩm này thật sự có sức hút riêng, là món ăn lạ giúp khán giả có những trải nghiệm thú vị ở một tác phẩm kinh dị thuần Việt”.

(15/2/2022)
THÙY TRANG
Link bài viết:
https://nld.com.vn/van-nghe/u80-dien-vien-mac-can-khien-khan-gia-nga-mu-20220215084324074.htm

Mạc Can tuổi 76

Mang nhiều bệnh như xuất huyết dạ dày, khớp…, ở tuổi 76, nghệ sĩ Mạc Can đi lại khó khăn, trí nhớ kém khiến ông không nhận ra nhiều người quen.

– “Ở lại nói chuyện với tui lâu lâu. Đừng về sớm nha”.

– “Ở dưới này buồn lắm. Cả ngày không đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà”

Ngồi trên chiếc ghế tựa, nghệ sĩ Mạc Can hướng đôi mắt ra phía cổng nhà. Khi thấy khách đến thăm, ông hồ hởi, vui vẻ. So với lần gặp gần nhất cách đây ít tháng, sức khỏe của bác Ba Phi Đất phương Nam yếu hơn trước.

Trong căn nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), ông đi lại khó khăn, chỉ di chuyển chậm rãi từ phòng ngủ ra phòng khách. Nghệ sĩ 76 tuổi cho biết kể từ khi chuyển về ở chung nhà với người em gái út, nhiều đồng nghiệp, khán giả đến thăm ông. Tuy nhiên, nghệ sĩ Mạc Can vẫn cảm thấy buồn vì nơi ở hiện tại cách xa trung tâm, khó gặp gỡ bạn bè, đi diễn như trước.

Bà Tư dìu đỡ ông khi đi lại trong nhà. Ảnh: Chí Hùng.

Gặp khó khăn khi đi lại

Sau lần nhập viện cấp cứu ở Bệnh viện Trưng Vương (quận 10) vào tháng 10/2020, nghệ sĩ Mạc Can chuyển đến ở hẳn cùng nhà em gái ruột tại huyện Hóc Môn. Nơi ở của diễn viên 76 tuổi nằm sâu trong hẻm nhỏ, được trồng nhiều hoa, cây cảnh.

Đón tiếp chúng tôi là bà Tư – em gái thứ của nghệ sĩ Mạc Can. Thời gian qua, bà Tư là người chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của anh trai. Bà Tư cho biết từ khi Mạc Can chuyển xuống đây ở, nhiều nghệ sĩ như Cát Tường, Tiết Cương… và người hâm mộ đến thăm ông.

“Mỗi lần có khách đến thăm, anh vui lắm. Tính anh thích đi lại, nói chuyện nên muốn gặp gỡ đồng nghiệp, khán giả”, bà mở lời.

“Ở đây, không khí thoáng đãng, mát mẻ hơn nhưng xa quá. Tui chân yếu rồi, không thể đi xe máy. Cả ngày không ra ngoài được, chỉ quẩn quanh trong nhà, buồn lắm”.

Nói rồi, người nghệ sĩ già bất giác hỏi: “Không biết căn phòng trọ 15 m2 hồi xưa tui ở giờ đã có ai thuê chưa”. Căn phòng trọ ông nhắc đến là nơi ở của Mạc Can tại quận Bình Thạnh nhiều năm qua. Sau khi đổ bệnh vào tháng 10/2020, ông được em gái út đưa về nhà riêng.

Theo nghệ sĩ Mạc Can, ở tuổi 76, ông mắc nhiều bệnh như xuất huyết dạ dày, khớp, thận, tim. Hàng tháng, ông được người nhà đưa đi bệnh viện để thăm khám và lấy thuốc về uống. Trí nhớ của ông cũng kém minh mẫn so với trước. Khi mới gặp người quen, ông không thể nhớ ra tên. Chỉ sau một lúc nói chuyện, nhắc nhớ những kỷ niệm, nghệ sĩ mới nhận ra.

Bù lại, diễn viên Đất phương Nam có đôi mắt sáng. Ông có thể đọc báo giấy, xem tin tức trên điện thoại mà không cần đeo kính.

Ăn ngủ ít, trí nhớ kém 

Trong cuộc trò chuyện, Mạc Can tâm sự cách đây vài tháng, ông còn tham gia phim Chuyện ma gần nhà của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Ông vào vai ảo thuật gia hết thời, bị tai nạn nghề nghiệp và phải ở trong một chung cư cũ nát.

“Tui đi khoảng 10 ngày để đóng phim. Đạo diễn Trần Hữu Tấn nói đó là vai diễn đo ni đóng giày cho tui. Buổi sáng, xe của đoàn phim đến nhà rước và chở về khi quay xong. Ê-kíp phim chu đáo lắm, họ còn thuê bác sĩ riêng để chăm sóc cho tui. Phòng khi tui đang quay thì bị ngất xỉu”, nghệ sĩ hài hước kể.

Ông nói 10 ngày quay phim mệt nhưng vui vì được gặp gỡ đồng nghiệp và nhiều diễn viên trẻ. Họ thường xuyên hỏi han và dìu đỡ ông trong những cảnh đi lại nhiều. Nghệ sĩ già cũng ăn chung cùng cả đoàn phim trên phim trường.

“Họ ăn gì, tui ăn nấy. Quay xong thì nghỉ ngơi tại chỗ. Lâu lắm rồi tui mới quay lại đóng phim điện ảnh, thấy vui lắm. Đi làm không thấy mệt mà ở nhà riết bị tù tùng”, Mạc Can chia sẻ.

Ngoài ra, nhà văn cũng tiết lộ có một công ty sản xuất phim tại Mỹ vừa liên hệ ông mua lại tiểu thuyết Tấm ván phóng dao để chuyển thể thành phim. Mạc Can cho biết đơn vị này trả mức giá hơn 100 triệu đồng và liên lạc với ông thông qua người đại diện tại Việt Nam.

“Bên đó họ nói ấn tượng với câu chuyện trong Tấm ván phóng dao và muốn làm phim về nó. Công ty này sẽ biên tập lại và tiến hành đến Việt Nam để quay khi hết dịch COVID-19”, ông tâm sự.

Phòng ngủ của nghệ sĩ Mạc Can được đặt một chiếc giường và bàn làm việc nhỏ. Trên giá sách là những truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn Mạc Can như Tấm ván phóng dao, Người nói tiếng bồ câu, Quỷ với Bụt và Thần Chết… Cạnh đó là những tờ báo giấy viết về các vai diễn của ông nhiều năm qua.


Góc làm việc và nghỉ ngơi của nghệ sĩ Mạc Can. (Ảnh: Chí Hùng)

Mạc Can chỉ vào chiếc laptop mới mua được đặt ngay ngắn ở bàn làm việc và kể: “Hồi xưa, tui có một máy tính khác nhưng cũ quá nên mới thay cái mới”. Thời gian rảnh rỗi, ông có viết sách, báo nhưng không nhiều như trước.

“Trí nhớ tui bây giờ bị hạn chế rồi. Nhiều lúc ngồi trước laptop nhưng không nhớ gì để viết. Tui cũng không ngồi lâu được, vì đau lưng, tay bị tê mỏi. Ngồi một lúc là tui phải lại giường nằm nghỉ ngơi”, ông bày tỏ.

Ngồi kế bên, bà Tư tranh thủ bóp vai và tay cho anh trai. Bà cho biết nghệ sĩ Mạc Can ăn uống kém. Mỗi bữa, ông chỉ ăn chút cơm và ít món mặn như thịt rang, cá kho. Sau đó, bà Tư chuẩn bị thuốc 3 lần/ngày để đưa cho ông uống.

“Hồi trước, anh cứ khăng khăng đòi ở trọ tại quận Bình Thạnh để tiện đi diễn, dễ dàng gặp gỡ đồng nghiệp. Chỉ đến khi mắc bệnh, phải nhập viện, anh mới đồng ý chuyển về sống ở đây. Khi ở chung, các anh chị em trong nhà có cơ hội giúp đỡ nhau. Tôi sống gần đây nên thường xuyên qua lại để thăm nom, đỡ đần anh”, bà Tư chia sẻ.

Em gái của Mạc Can cho biết ông ngủ ít và sức khỏe kém hơn so với trước. Tuy nhiên, ông ít than vãn, kể lể về bệnh tật. Chỉ khi cần thiết, nam nghệ sĩ mới nhờ cậy em gái hỗ trợ. Ông cố gắng tự làm mọi việc trong khả năng.

“Anh thích đi đây đó, giao lưu, gặp gỡ. Khi về đây sống, anh bị hạn chế hơn trước. Vào những ngày cuối tuần, em út, các cháu sẽ quây quần lại đây, đông đúc, lúc ấy anh vui lắm. Anh không nhận ra nhiều người thân quen, nhưng nếu gợi chuyện, nhắc nhớ kỷ niệm, anh sẽ nhớ ra”, bà tâm sự.

Theo Zing