“Trong từng thời điểm khác nhau, cuộc đời đã đẩy đưa tôi chọn mỗi nghề: lúc thì làm ảo thuật, lúc đóng kịch, đóng phim, viết báo và bây giờ lại làm… người viết lách. Tôi hoàn toàn không định trước cho mình nghề nào nhưng mỗi khi đeo đuổi một nghề nào hợp với khả năng, sở thích, tôi đều bị chúng mê hoặc…” Ông hề già, nhà văn “trẻ” Mạc Can đã tâm sự như vậy.

* Ông Mạc Can đã chọn ảo thuật là nghề đầu tiên vì nối nghiệp gia đình?

– Vâng! Ba tôi là nhà ảo thuật gia Lê Văn Quý, tiếng tăm cũng được nhiều người biết đến khoảng hơn mấy chục năm về trước. Tôi học nghề ảo thuật rất sớm, một phần do gia đình tôi khi xưa vốn là một gánh xiếc rong và con trai thì dĩ nhiên phải theo nghề cha. Có điều, làm ảo thuật và được nổi tiếng trong nghề không phải là chuyện đơn giản. Những người biểu diễn phải có uy lực mới là yếu tố quan trọng để thuyết phục công chúng, theo kiểu đường hoàng chững chạc như nhà ảo thuật Z27 của Việt Nam mình hay thật bí ẩn, kỳ quặc như David Copperfield ở bên Mỹ vậy! Riêng tôi chọn cho mình hình thức ảo thuật pha với chút ít sự hài hước, hay gọi tắt là ảo thuật hài.

* Từ chất hài của ảo thuật đã giúp ông Mạc Can “có nghề sẵn” khi bước sang lĩnh vực sân khấu kịch và điện ảnh, đúng vậy chăng?

– Nói thật ra nếu cứ sống bằng nghề ảo thuật, kể cả ảo thuật hài cũng rất khó vì mua dụng cụ hỗ trợ biểu diễn vô cùng tốn kém. Thế nhưng đến lúc chạm ngõ sân khấu kịch hài, rất may mắn, tôi cũng được nhiều bạn bè thương mến, dành cho chỗ lúc thì diễn, lúc thì viết kịch bản. Duyên nợ với điện ảnh cũng bắt đầu từ nghề ảo thuật hài và đóng kịch như vậy. Tuy chỉ được các đạo diễn giao đóng hầu hết là những vai nhỏ, vai phụ (có vai chỉ xuất hiện… thoáng qua vài phút) trong các vở kịch, các bộ phim, nhưng nói chung tôi cũng… mê nghề lắm.

* Từ trước tới nay, Mạc Can đã tham gia bao nhiêu bộ phim? Vai diễn nào gây ấn tượng nhất cho ông từ trước tới nay?

– Thật ra chính tôi cũng không thể nhớ hết số phim tôi từng có… vai (không dám nói là đóng phim đâu). Song có lẽ là vai bác Ba Phi trong bộ phim nhiều tập “Đất phương Nam” của Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh- TFS là tôi thích nhất trong hàng mấy trăm bộ phim tôi đã từng có… vai.

* Nguyên nhân gì khiến cho Mạc Can lại rẽ sang nghề viết một cách ngoạn mục, bắt đầu với tiểu thuyết ngắn “Tấm ván phóng dao” và tiếp tục mãi từ ấy đến nay?

– Hồi đó đến giờ những người quen tôi và cả chính bản thân mình, tôi không hề nghĩ rằng có lúc mình lại “bung ra” viết được những điều mình đã sống, đã suy nghĩ, và được lưu trữ kỹ trong ký ức hoặc kinh qua thực tế cuộc sống, ngoài việc đôi khi viết tin tức văn nghệ cho một vài tờ báo thân quen song đó hầu hết chính là những câu chuyện đời thật của biết bao con người đã sống và làm việc xung quanh tôi. Nói chung, chuyện ở đời lúc nào cũng buồn nhiều hơn vui. Nỗi buồn cứ luôn ám ảnh bên trong, dù bên ngoài tôi hay diễn hài, tấu hài. Thế rồi có lúc tôi viết ra như sự xâu kết từ chính những chuỗi ký ức của đời mình. Nhưng lại cũng chẳng phải là cuộc đời của mình bởi nó chỉ là tiểu thuyết mà thôi.

* Hiện thời ông Mạc Can đang sống bằng nghề đóng phim, diễn ảo thuật hài hay viết văn?

– Nói ra cũng hơi… lạ. Cuộc sống của tôi luôn phải dựa vào đóng phim và thi thoảng lại đi diễn ảo thuật hài, đóng kịch truyền hình. Nhưng chừng chục năm qua, những cuốn sách nuôi sống được tôi. Tôi không phụ nghề nào cả, từ ảo thuật, đóng kịch, đóng phim hay viết văn. Nói tóm lại tôi chỉ muốn mang tất cả tấm lòng mình trải ra với cuộc đời.

* Ông Mạc Can vẫn chưa đặt “đỉnh” cho mình hay sao?

– Tôi có đặt chứ vì tôi vẫn chưa… chết. Hiện tại hàng ngày tôi vẫn dành thời gian chăm chú viết tiểu thuyết. Tôi muốn viết cái gì mới mẻ hơn nên tìm đọc nhiều và thường xuyên đi thăm thú bạn bè, kể cả lúc bệnh hoạn đi không được phải nhờ một thằng cháu “đèo” đi! Tôi cho rằng nhiều khi người ngoài họ sáng hơn, mình nghĩ không ra nhưng họ có những ý tưởng hay. Đôi lúc tôi dè chừng lắm, cắm cúi để viết một cuốn sách mỏng nhưng cái được cái không cho đến khi trúng tác phẩm mình thích lại viết được. Chuyện viết lách suốt thời gian qua độc giả khám phá ra một Mạc Can ngô nghê, viết truyện giống như ông ta nói ngoài đời thực, nhưng cứ như vậy hoài người ta sẽ nhàm chán và không có hứng thú đọc nữa. Việc diễn xuất cũng phải biết cách làm khác hơn để thu hút người xem. Tôi không phải là người chuyên nghiệp về diễn xuất nhưng tôi thích quan sát nên khi nhập vai tôi nhớ lại lúc nào đó thấy nhân vật giống như thế ở ngoài đời và rồi diễn theo. Tuy nhiên, những cái mình làm được thỉnh thoảng cũng có lời dè bĩu, chê bai nhưng phải biết vượt qua để mà đi tiếp.

* Hình như ông có tâm hồn nghệ sĩ trẻ hơn độ tuổi rất nhiều? Ông nghĩ sao khi ở tuổi của ông vẫn chưa có lấy một danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hoặc Nghệ sĩ nhân dân?

– Ai kêu tôi bằng nghệ sĩ tôi giận à nha (cười). Tôi muốn mọi người gọi tôi là ông hề già hoặc nhà văn “trẻ” là được, dù tôi chưa chắc mình có thành ông hề, diễn viên hay nhà văn hay không. “Trẻ” ở đây có nghĩa là tôi vào nghề viết lách trễ hơn so với nhiều bạn khác. Còn mấy chữ nghệ sĩ hay nhà văn nó lớn lao quá, tôi nghĩ mình không kham nổi. Nói về danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ nhân dân, tôi nghĩ cũng không sao cả, cái đó người ta xứng đáng thì người ta được còn mình chưa được. Thế thôi!

* Hiện nay, ông Mạc Can đang ấp ủ cho mình điều gì?

– Tôi sinh năm 1945 (Ất Dậu) năm nay đã 70 tuổi, cái tuổi mà người ta thường bảo là “cổ lai hy” rồi. Bây giờ tôi đang ấp ủ viết một kịch bản về cuộc đời mình và nếu nó được dựng thành phim thì vui lắm. Thật ra đời tôi có nhiều bi kịch lẫn hài kịch, tôi xài chữ kịch thì quý độc giả hiểu cho, nhiều khi ngẫm nghĩ mới thấy tôi không có một đời sống thật mà toàn là những ảo tưởng, ảo tưởng nhiều hơn là thật. Tôi tưởng tượng ra đó là thật, các biến cố lớn nhỏ, ngộ nhận, mâu thuẫn, xung đột diễn ra suốt từ khi tôi mới khóc chào đời cho tới khi tôi đã là ông già chính ra là một chuỗi kịch bản hết sức lạ kỳ.

* Xin cảm ơn ông Mạc Can đã dành cho chúng tôi cuộc gặp gỡ này!

NGUYỄN SINH

(baovinhlong.com.vn)